Huyết áp là gì? Thế nào là huyết áp cao, huyết áp thấp?
Không phải ngẫu nhiên mà huyết áp lại trở thành một "kẻ giết người thầm lặng" của thế kỷ 21. Vậy huyết áp là gì? Làm thế nào để cải thiện và duy trì huyết áp ổn định? Hãy cùng Journey Juice tìm hiểu ngay ở bài viết bên dưới nhé!


I. Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đi nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Nhờ lực co bóp của tim và sức cản của động mạch mà huyết áp được tạo ra.


Đối với người bình thường, huyết áp vào ban ngày thường cao hơn ban đêm. Huyết áp có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1 – 3 giờ sáng, thời gian con người ngủ say nhất và huyết áp sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng. Đặc biệt, khi vận động thể lực gắng sức, căng thẳng thần kinh hoặc khi trải qua các xúc động mạnh đều có thể làm cho huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể sẽ hạ xuống.
II. Thế nào là huyết áp cao, huyết áp thấp?
Hiện tại, có 2 chỉ số ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp là: Huyết áp tâm thu và Huyết áp tâm trương.
- Huyết áp tâm thu còn được gọi là huyết áp tối đa, đây là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu. Chỉ số huyết áp tâm thu biểu hiện cho áp lực của máu lên động mạch ở trạng thái tim đang co bóp.
- Huyết áp tâm trương còn được gọi là huyết áp tối thiểu, đây là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu. Chỉ số huyết áp tâm trương biểu hiện cho áp lực của máu lên động mạch ở trạng thái tim thả lỏng.


Cách nhận biết huyết áp cao và huyết áp thấp
- Đối với người lớn, nếu huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.
- Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90 trở lên thì được gọi là huyết áp cao. Ngược lại, Khi huyết áp tâm thu dưới 100 mmHg được xem là huyết áp thấp hay tụt huyết áp.
- Còn lại, nếu các chỉ số huyết áp của bạn nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg) thì được gọi là tiền cao huyết áp.
III. Những yếu tố gây ảnh hưởng tới huyết áp?
1. Yếu tố bên trong
Sức cản của mạch máu: Khi thành máu bị xơ vữa, dẫn đến thành động mạch bị hẹp lại sẽ dẫn đến nguyên nhân làm tăng huyết áp. Đặc biệt đối với người già, thành mạch kém đàn hồi đây chính là một trong các nguyên nhân chính gây nên bệnh cao huyết áp.
Nhịp tim, lực co tim: Huyết áp phụ thuộc vào lực bơm máu của tim, vì vậy khi tim đập nhanh và mạnh thì huyết áp sẽ tăng. Còn khi đập chậm, lực co tim giảm huyết áp cũng sẽ giảm.
Khối lượng máu: Khi bạn bị thiếu máu, mất máu làm lượng máu trong cơ thể không ổn định sẽ dẫn đến bệnh tụt huyết áp.


2. Yếu tố bên ngoài
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn uống hằng ngày cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp trong cơ thể như: ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, cà phê, thuốc lá,… sẽ ảnh làm xơ cứng thành mạch, tăng huyết áp.
- Sinh hoạt không điều độ: Môi trường làm việc căng thẳng, thường xuyên thức khuya, ít tập thể dục,… cũng là những nguyên nhân làm huyết áp trong cơ thể của bạn trở nên không ổn định.
- Tư thế ngồi: Ngồi sai tư thế sẽ gây ra việc lưu thông máu gặp khó khăn. Tư thế ngồi ảnh hưởng đến huyết áp trong cơ thể, điều này không hẳn ai cũng biết. Nhưng tư thế ngồi rất quan trọng trong việc lưu thông máu của cơ thể, nếu ngồi không đúng tư thế sẽ khiến cho huyết áp của bạn không ổn định và dễ mắc phải các bệnh rối loạn huyết áp.
IV. Làm thế nào để duy trì huyết áp bình thường?
1. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, cân nặng và cả huyết áp trong cơ thể.


Một chế độ ăn cân đối và healthy sẽ giúp cho cơ thể bạn trở nên linh hoạt, duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, tránh khỏi các nguy cơ về bệnh béo phì, tim mạch và cả cao huyết áp.
Trong các bữa ăn, bạn nên chọn những loại thực phẩm có chứa nhiều Vitamin A, C, D, Canxi, và Kali. Đặc biệt Kali hữu cơ có chứa trong các loại rau củ giúp giảm áp lực huyết áp lên thành mạch máu cực kì hiệu quả.
2. Tập thể dục đều đặn, vừa sức
Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày ngoài việc giúp cơ thể săn chắc khỏe mạnh, còn giúp máu trong cơ thể lưu thông dễ dàng hơn, hạn chế nguy cơ về các bệnh tim mạch và cao huyết áp. Nhưng bạn cần có một chế độ luyện tập vừa sức, tránh đẩy nhịp tim lên quá cao sẽ dẫn đến tác dụng ngược dẫn đến huyết áp tăng cao.
3. Duy trì tâm lý thoải mái, ổn định
Tâm lý, cảm xúc là những trạng thái không thể thiếu ở con người, việc bị kích động về mặt cảm xúc cũng làm huyết áp của bạn tăng cao một cách bất thường trong một khoảng thời gian ngắn.


Hãy học cách kiểm soát cảm xúc của mình, giữ tinh thần luôn vui vẻ và lạc quan cũng là một phương pháp hạn chế những rủi ro cho sức khỏe của bạn về chứng cao huyết áp.
Qua bài viết này, mình đã giải đáp cho bạn khái niệm về Huyết áp là gì? Thế nào là huyết áp cao, huyết áp thấp. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé!